Nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm, có xu hướng tăng và ngày càng trẻ hóa.
Nhồi máu cơ tim cấp diễn ra khi cơ tim cục bộ bị thiếu máu dẫn đến hoại tử cơ tim. Một trong số các nguyên nhân phổ biến là do vỡ mảng xơ vữa khiến máu bị đông lại trong động mạch vành ngăn cản lượng máu cung cấp cho cơ tim.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người trẻ
Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử.
Nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch (giảm kích cỡ lòng mạch máu) và dần dần gây tắc. Các mảng xơ vữa này có thể nứt vỡ bất cứ lúc nào, đột ngột, sau đó khởi động quá trình tạo thành các cục huyết khối. Chính quá trình này gây tắc động mạch vành, tạo ra các cơn đau thắt ngực, triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim.
(Ảnh minh họa) |
Nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao.
Ở người trẻ, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nhồi máu cơ tim là lối sống không khoa học, thiếu lành mạnh hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là 50%.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Theo các chuyên gia y tế, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim).
Các bác sĩ cho hay, nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc một phần hoặc hoàn toàn một nhánh hoặc cả hai động mạch vành. Nếu nhẹ sẽ gây ra bệnh lý suy tim, tổn thương cơ tim, nếu nặng thì sẽ gây ra một cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Kết quả giải phẫu bệnh lý cũng cho thấy, có đến 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Một số bệnh nhân vào viện cũng có thể có tỷ lệ tử vong lên rất cao.
Ở người trẻ, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nhồi máu cơ tim là lối sống không khoa học, thiếu lành mạnh. |
Những thói quen xấu khiến người trẻ dễ bị nhồi máu cơ tim
Căng thẳng kéo dài
Tình trạng stress kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. Trên thực tế người trẻ do áp lực công việc, cuộc sống gia đình và các quan hệ khác gặp căng thẳng kéo dài nên có thể có xu hướng cần giải tỏa dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều, hút thuốc thường xuyên hoặc uống nhiều rượu hơn bình thường nên gây hại cho tim mạch.
Vì vậy, để giảm căng thẳng hãy dành thời gian để thư giãn bằng cách sắp xếp công việc một cách hợp lý, tập thể dục, nghe nhạc, hoặc thực hành thiền để cải thiện tinh thần và sức khỏe.
Ăn uống không lành mạnh
Thói quen ăn uống không lành mạnh, không đúng chế độ, dẫn đến béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Khá nhiều người sử dụng nhiều đồ ăn ngọt, ăn nhanh, ăn ít rau xanh vừa làm tăng nguy cơ đái tháo đường vừa khiến tăng nguy cơ béo phì, làm cho lượng đường máu cao dễ gây ra nhồi máu cơ tim.
Liên quan đến chế độ ăn uống, nhiều người không kiểm soát tốt, ăn uống nhiều đồ chiên dầu, phủ tạng động vật khiến không kiểm soát lipid máu, lipid máu tăng cao dễ lắng đọng vào thành mạch, gây xơ vữa thành mạch, tạo điều kiện gây ra nhồi máu cơ tim.
Sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
Sử dụng quá nhiều chất kích thích, rượu bia là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới. Điều này khiến chúng ta có thể phải đối diện với tình trạng tăng huyết áp và có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, nghiện thuốc lá trực tiếp làm hỏng lá phổi, còn khiến đẩy cao hàm lượng cholesterol trong cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành những cục máu đông và ngăn chặn quá trình tuần hoàn máu lên não.
Ngồi quá nhiều, lười vận động và thức quá khuya
Việc thức quá khuya, lười vận động, ngồi quá nhiều được xem là một trong những thói quen xấu nhiều người trẻ mắc phải ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Khi thức quá khuya, tâm trạng quá căng thẳng, lo lắng, áp lực khiến liên tục tiết ra các chất adrenaline và kích thích các yếu tố khác gây ra bất thường trong mạch máu và nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra việc ngồi quá nhiều ít vận động thể chất nhìn chằm chằm vào điện thoại hay các thiết bị điện tử trong thời gian dài có thể làm nén các mạch máu ở cổ gây ra tình trạng ứ đọng mạch máu hình thành các cục máu đông. Nếu không thay đổi, sẽ khiến gia tăng nguy cơ tim mạch nhất là đột quỵ.
Thay đổi lối sống và cách sinh hoạt là một trong những phương pháp phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim. |
Làm gì để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim?
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, trước đây, các ca bị nhồi máu cơ tim thường ở người cao tuổi, nhiều bệnh nền; nhưng thời gian gần đây, nhiều ca bệnh lại là người trẻ tuổi. Tình trạng này xảy ra do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong mạch máu bị bong tách ra, di chuyển trong động mạch vành gây tắc động mạch vành, nhất là trên nền động mạch vành đã bị xơ vữa.
Động mạch vành là động mạch nuôi cơ tim, ít có các nhánh ngang, chủ yếu là những “con đường độc đạo” vì vậy khi tắc động mạch vành, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao; làm cho một vùng cơ tim bị chết đi, có thể rối loạn nhịp tim, gây suy tim cấp hoặc ngừng tim.
Nếu ở người già, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu cơ tim, nhưng điều này xảy ra với người trẻ lại khá nguy hiểm. Đặc biệt người trẻ lại thường rất chủ quan với bệnh nhồi máu cơ tim nên càng dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học cụ thể. thường xuyên đi khám, kiểm tra các chỉ số như: Mỡ máu, đường huyết, huyết áp… đặc biệt cần tích cực vận động, tập thể dục và có lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc; không ăn đồ ăn chế biến sẵn. Tăng cường bổ sung Omega 3 trong các bữa ăn hàng ngày để có thể tăng cường bảo vệ tim mạch.
Một số cách phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim:
+ Thay đổi lối sống là điều cần làm xuyên suốt quá trình điều trị + Tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì + Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt + Không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào; + Nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt; Ăn cá hoặc thịt gà thay cho thịt heo, thịt bò + Tránh căng thẳng, luyện tập thư giãn |
Nguồn : Tạp Chí Sức Khỏe Việt |
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm y học cổ truyền phục vụ khách du lịch
10 loại nước uống từ thảo dược tốt cho sức khỏe trong mùa đông lạnh
Công Tác Thiện Nguyện Hội chử thập Đỏ Thị Trấn Thường Thới Tiền Huyện Hồng Ngự Tỉnh đồng Tháp lần 3
Nguyên tắc xét tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược cổ truyền