Nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng, phát triển ngành công nghiệp dược…

Ngày 18/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phát biểu thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển cây dược liệu. Bà Hồ Thị Kim Ngân cho biết, cây dược liệu Việt Nam có khoảng 5.117 loài nhưng hiện mới có khoảng 200 loài được khai thác thương mại. Trong khi đó, dược liệu Việt Nam là kho tàng vô giá, từ đó tạo ra các sản phẩm liên quan đến chữa bệnh, thực phẩm, thực dưỡng, đồ uống và hóa mỹ phẩm…

Tổ chức Y tế thế giới đã có đánh giá và báo cáo, hàng năm 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân khẳng định, ngành dược liệu Việt Nam và khai thác thương mại về dược liệu rất tiềm năng.

Cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng
 Nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng, phát triển ngành công nghiệp dược. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, trong dự thảo Luật chưa làm rõ các chính sách đầu tư và thúc đẩy phát triển dược liệu. Khoản 5, Điều 1, dự thảo Luật có nhắc đến việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với ngành dược liệu, song mới chỉ nêu ra các dự án mang tính chất nhỏ lẻ như các bài thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam được ưu đãi. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng, phát triển ngành công nghiệp dược.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, hiện nay, các dự án liên quan đến phát triển dược liệu có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu từ các hộ gia đình mà chưa được chú trọng về giống, phát triển vùng dược liệu… Do vậy, dự thảo Luật cần có định hướng, có dự án đặc biệt nghiên cứu về cây dược liệu, đơn cử như đất đai đã bảo đảm cho cây dược liệu phát triển và bảo đảm hoạt chất của dược liệu hay chưa?

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, Ban soạn thảo phải lưu ý đảm bảo chính sách dân tộc trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Cụ thể, Luật hiện hành đã đề cập một số chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc nhưng còn rất ít, chưa rõ nét. Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo những chính sách ưu đãi đầu tư, ưu tiên cung ứng thuốc, đặc biệt có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Theo bà Trần Thị Hoa Ry, cần có ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, sản xuất, bảo tồn dược liệu quý hiếm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng đề nghị, cần đánh giá tính khả thi và phù hợp các chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, chính sách trong việc phát huy, phát triển những bài thuốc quý, cây thuốc quý của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn ; Tạp Chí Sức Khỏe .