Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố. Đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em nếu không được điều trị.
Bệnh bạch hầu gây sưng mũi, họng nghiêm trọng. Ở một số trẻ em có thể bị sưng tấy và nhiễm trùng khiến bệnh nhân khó ăn uống dẫn đến suy nhược, tắc nghẽn đường hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí nhiễm trùng lan rộng làm bệnh nhân không thể thở được dễ dẫn đến tử vong.
Vì vậy, cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân bạch hầu. Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm mềm, được nấu nhừ để dễ dàng nhai và nuốt như: bột, cháo, súp… Đồng thời, nên chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Chế độ ăn uống phù hợp, đủ dinh dưỡng giúp nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bạch hầu |
Sau đây là một số dưỡng chất thiết yếu cho người mắc bệnh bạch hầu:
Protein: protein là thành phần chính của các kháng thể, giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tăng cường bổ sung chất đạm (protein) trong các bữa ăn vì cơ thể người bệnh sau ốm sẽ suy nhược đi ít nhiều. Những thực phẩm giàu protein là: thịt gà, trứng, sữa, tôm, cua, cá, thịt bò…
Carbohydrate: cùng với protein (chất đạm), lipid (chất béo), carbs là một trong 3 thành phần chất dinh dưỡng có trong thức ăn của con người. Carbs là các chất dinh dưỡng đa lượng. Đây là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nên cho người bệnh ăn các nguồn thực phẩm chứa carbohydrate toàn phần có nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ như các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ), trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… giúp cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật.
Vitamin và các loại khoáng chất: thực phẩm giàu vitamin A, vitamin D, vitamin C là nhân tố quan trọng giúp tăng trưởng và đảm bảo hoạt động của các mô cơ thể. Khi bị ốm, các loại vitamin này giúp tăng sức đề kháng, là chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể. Những thực phẩm giàu vitamin A, D và C là sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…), cá hồi, nấm, trứng, rau có lá màu xanh thẫm như rau ngót, rau cải, các loại quả có màu vàng, đỏ (đu đủ, cà chua…); bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, những loại trái cây tươi như: bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi…
Vitamin E cũng là chất dinh dưỡng cần thiết đối với hệ miễn dịch, nhất là với chức năng của tế bào lympho T. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật, hạt hướng dương, mầm lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, lạc, rau bina, cải xoăn.
Người bị bệnh bạch hầu cũng cần bổ sung kẽm giúp kháng viêm, tăng sức đề kháng giúp củng cố sức khỏe cho đường ruột.
Lưu ý: những người mắc bệnh bạch hầu không nên ăn các thực phẩm lên men. Những sản phẩm lên men như sữa chua, các loại dưa, cà muối có chứa các loại men sống, rất dễ gây hại cho sức khỏe nếu không được xử lý tốt.
Bên cạnh đó, không nên ăn những thực phẩm có gia vị cay nồng dễ gây kích ứng niêm mạc miệng, họng đang bị tổn thương. Tuyệt đối tránh những thực phẩm cứng, có góc cạnh sắc gây khó nhai, nuốt.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Do đó, cách ly và điều trị là chìa khóa để đảm bảo những người bị bệnh khỏi bệnh nhanh chóng, không lây lan bệnh cho người khác.
Nguồn : sức khỏe việt
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm y học cổ truyền phục vụ khách du lịch
10 loại nước uống từ thảo dược tốt cho sức khỏe trong mùa đông lạnh
Công Tác Thiện Nguyện Hội chử thập Đỏ Thị Trấn Thường Thới Tiền Huyện Hồng Ngự Tỉnh đồng Tháp lần 3
Nguyên tắc xét tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược cổ truyền