Vai trò của thuốc nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc

“Nam dược trị nam nhân” là tư tưởng và chiến lược trị bệnh cho người Việt do danh y Tuệ Tĩnh đề xướng từ thế kỷ XIV được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đã góp phần vào việc giữ gìn và tăng cường sức khoẻ của dân tộc Việt Nam. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, thuốc nam cũng thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ của người lính nói riêng và nhân dân nói chung.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954-07/05/2024) và 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2024), chúng ta cùng nhìn lại những giá trị tích cực mà thuốc nam mang lại, đồng hành trong hai cuộc chiến vĩ đại, đóng góp chung vào những chiến thắng “rực rỡ năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc.

Vai trò của thuốc nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Thứ nhất, tầm quan trọng của thuốc nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và chỉ đạo “kết hợp thuốc Đông y với Tây y”. Người dặn dò: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chưa đầy một năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 22/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 337/NV/PC/NĐ thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội, tiền thân của Hội Đông y ngày nay.

Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng với trên 5.000 loại cây thuốc, trong đó, cộng đồng các dân tộc đa dạng với những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng và nhiều kinh nghiệm quý trong sử dụng cây cỏ làm thuốc, trồng trọt các loại cây thuốc quý, nhiều bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả cao đã đưa Đông y trở thành một bộ phận văn hóa, một nét bản sắc của dân tộc.

Thứ hai, thuốc nam đồng hành cùng nhân dân trong suốt hai cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc

Trong chiến tranh, việc bị thương là không thể tránh khỏi, chưa kể các bệnh, dịch bệnh phát sinh khi hành quân, đóng quân cũng khiến lực lượng bộ đội của chúng ta bị tổn thương nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, việc vận chuyển thuốc men vào chiến trường lại luôn gặp khó khăn, lúc nào cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu thốn. Chính lúc này, thuốc nam lại phát huy được vai trò vốn có của nó.

Một là, chữa bệnh, chữa thương tại chỗ giúp làm giảm thiểu nguy cơ thương vong

Qua những bài thuốc được chắt lọc từ kinh nghiệm dân gian, chiến sỹ ta khi đối mặt với những vết thương ngoài da cần cầm máu tại chỗ đều có thể sử dụng nhọ nồi hay huyết dụ. Hoặc khi dịch bệnh sốt rét hay tiêu chảy hoành hành, những bài thuốc nam cũng được áp dụng để giảm nhẹ triệu chứng thậm chí trị dứt điểm các chứng bệnh gặp phải. Đơn cử như trong các chiến dịch chiến tranh chống Pháp, mặt trận là vùng núi thì ngoài việc cung cấp thức ăn, chỗ trú ẩn, những thầy thuốc dân gian thuộc những nhóm dân tộc thiểu số vùng cao đã điều trị cho những người lính khi họ bị thương, bỏng, gãy xương, sốt rét, rắn/đỉa cắn, đau bụng…bằng những bài thuốc của dân tộc họ; khi đó cây thuốc của các dân tộc thiểu số là nguồn dược phẩm thiết yếu.

Vai trò của thuốc nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc

Sốt rét ở Trường Sơn (ảnh minh hoạ: Minh Anh – Quân đội dân dân cuối tuần).

Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù Tây y cũng có những bước phát triển nhưng đông y và những bài thuốc nam vẫn có những vai trò vô cùng đặc biệt; ngành dược trở nên phụ thuộc chặt chẽ vào những cây thuốc trồng ở vùng cao. Theo các nhà nghiên cứu Hoàng Bảo Châu, Phó Đức Thức và Hữu Ngọc, số lượng bệnh nhân được chữa khỏi nhờ dược liệu truyền thống chỉ nội trong mạng lưới y tế chính thức đã tăng từ dưới 12.000 ca vào năm 1960 đến trên 750.000 vào năm 1970.

Hai là, phòng bệnh, tăng cường và nâng cao sức khoẻ cho bộ đội nói riêng và nhân dân nói chung

Dược liệu là cái tên gắn liền với đời sống của nhân dân ta từ hàng ngàn đời nay, chúng chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe của con người và nền kinh tế nước nhà. Một số bài thuốc nam cũng có tác dụng trong việc tăng cường sức khoẻ, phòng chống một số bệnh. Ví dụ như khi cảm lạnh hoặc phòng cảm lạnh khi bị mưa, gió lạnh chúng ta có thể sử dụng gừng tươi, cụ thể lấy 1 củ 16 – 20g rửa sạch, thái nhỏ, giã, vắt lấy nước cốt uống, bã chà xát vùng gáy, vùng thái dương, sống lưng, lòng bàn tay, chân.

Như vậy, thuốc nam nói riêng và y học cổ truyền nói chung đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quân đội khoẻ mạnh và đảm bảo sức khoẻ nhân dân trong suốt hai cuộc chiến tranh. Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với thế giới thì y học cổ truyền được xem là “viên ngọc quý” trong di sản khoa học quốc gia. Việc nghiên cứu, sử dụng, và phát huy các bài thuốc dân gian đưa chúng trở thành một bộ phận văn hóa, một nét bản sắc của dân tộc, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

nguồn : từ tạp chí sức khỏe việt .