Những loại thảo dược giúp phòng chống cảm cúm hiệu quả

Thời tiết lạnh và ô nhiễm không khí là điều kiện cho các loại virus cũng như tình trạng cảm cúm tăng mạnh. Để phòng ngừa, bạn nên tăng cường sử dụng các loại thảo dược, vừa an toàn, lành tính lại khá hiệu quả.

Húng quế là loài cây phát triển mạnh nhất vào mùa hè. Húng quế có tác dụng hạ sốt rất hiệu quả, giảm các triệu chứng cảm và ho rất tốt khi được dùng bằng cách nhai nhuyễn hoặc hãm lá húng quế cùng với nước sôi.

Hạt tiêu đen có công dụng giảm lượng đờm sinh ra khi ho, chúng ta có thể nhận được công dụng tuyệt vời của loại thảo dược giải cảm này khi thêm nó vào nước dùng xương cho bệnh nhân ăn hoặc thêm vào các loại nước canh trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt nên sử dụng loại gia vị này trong những mùa thời tiết lạnh giá.

Bạc hà là vị thuốc thường dùng trong các bài thuốc đông y với công dụng kích thích đổ mồ hôi và hạ sốt hiệu quả. Bệnh nhân cảm lạnh hoặc cảm cúm có thể sử dụng bạc hà tươi như một loại rau thơm trong món salad hoặc dùng như một loại trà giúp đánh bại chứng cảm lạnh trong mùa đông.

Lưu ý không sử dụng lá bạc hà trong trường hợp bệnh nhân ra nhiều mồ hôi và không dùng bạc hà cho trẻ sơ sinh.

Quế vừa là một gia vị tạo mùi thơm đặc trưng cho các món ăn, vừa là một loại dược liệu có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả. Quế làm ấm cơ thể, giúp giảm tắc nghẽn chất nhầy do cảm lạnh và cảm cúm.

Loại thảo dược này có thể sử dụng trong các loại thức ăn hoặc trộn bột quế với mật ong. Quế an toàn với hầu hết mọi người tuy nhiên phụ nữ mang thai không nên sử dụng quế.

Tỏi từ lâu được xem là một vị thuốc tốt với sức khỏe, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc để điều trị bệnh. Công dụng chính của loại dược liệu này là kháng virus, kháng viêm, kháng nấm và có thể ngăn ngừa cảm lạnh hiệu quả. Cách sử dụng tỏi giải cảm cũng rất đơn giản, chỉ cần giã nát tỏi tươi để lấy phần nước, sau đó pha loãng với nước sạch và cho thêm chút muối để tra mũi.

Gừng được xem là một loại thảo dược trị cảm cúm hiệu quả. Trong rất nhiều công dụng thì nổi bật nhất là gừng giúp cơ thể ra mồ hôi nên mang lại hiệu quả rất tốt mỗi khi chúng ta sốt cao. Ngoài ra, gừng giúp giảm các triệu chứng khác của bệnh cảm cúm.

Có thể dùng gừng để giải cảm theo cách sau: Pha 1/2 muỗng cà phê bột gừng vào nước sôi, để 10 phút rồi gạn lấy phần nước trong để uống hoặc súc miệng.

Cần lưu ý, nếu đang mang thai hoặc mắc bệnh lý sỏi mật thì người bệnh không nên sử dụng gừng để làm thuốc.

Hành hoa (hay còn gọi là hành lá) được xem là một phương thuốc chữa bệnh hiệu quả trong Đông y. Vì hành lá có tính ấm, nên được dùng để chữa bệnh cảm lạnh, giải cảm hữu hiệu. Vị cay của hành lá khi được nấu chín hoặc ăn nóng có tác dụng gây tiết mồ hôi, là phương pháp giải độc hiệu quả.

Dùng hành hoa 7 cọng, gừng tươi 6-8g, gạo nếp 80g. Gạo đổ nhiều nước nấu thành cháo. Hành thái nhỏ, gừng băm nhuyễn. Cháo chín thì cho gừng hành vào đun vài phút rồi đổ ra bát ăn nóng để ra mồ hôi.

Theo Đông y, sả có vị cay, tính ấm vào 2 kinh Phế và Vị nên thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa cảm lạnh hoặc trị ho do lạnh… Người bệnh có thể dùng 5-6 củ sả tươi hoặc một muỗng sả khô hãm với nước sôi và dùng dần. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng bằng cách đựng sả đã cắt nhỏ trong một túi nhỏ và thả vào trong nước ấm để tắm.

Tía tô là một loại thảo dược trị cảm cúm hiệu quả. Người bệnh có thể sử dụng bài thuốc với 15-20g tía tô tươi, 6-10g gừng tươi và 20-30g đường đỏ. Sau đó cho gừng và tía tô đun sôi với 300ml nước trong 20 phút rồi cho đường đỏ vào khuấy đều và uống khi còn ấm nóng. Bài thuốc với tía tô này có tác dụng tân ôn, giải biểu, tuyên phế, tán hàn nên rất hiệu quả với chứng cảm lạnh gây ho, sốt, không ra mồ hôi và chảy nước mũi…

Bên cạnh đó, có thể xông hơi bằng cách đun cả cành, lá và thân cây tía tô với 1 lít nước, sau đó tiến hành xông.

Ngải cứu có tính ấm, có khả năng khai thông kinh lạc, trừ hàn, tăng cường chức năng của tạng phủ. Để trị cảm cúm, ho, đau đầu thì trong đông y có bài thuốc chế biến bằng cách lấy 300 g lá ngải cứu tươi, lá chanh (hoặc lá bưởi) và lá khuynh diệp, mỗi thứ 100g. Tất cả rửa sạch, bỏ vào nồi cùng 2 lít nước, đun sôi 20 phút và xông 15 phút.

Nguồn ; Truyền thông Chi Hội Nam y An Giang.